Một trong những điều mình học được những năm gần đây, không biết là do già hơn một chút hay là do môi trường sống xung quanh: đó là tôn trọng sự khác biệt.
Mình chia việc tôn trọng sự khác biệt ra 3 mức độ:
- Ai cũng phải suy nghĩ giống mình, đứa nào làm khác là đứa đó ngu.
- Đứa nào suy nghĩ khác mình thì… kệ mẹ nó.
- Đây là mức ở cảnh giới đặt được mình vào góc nhìn của người khác, vì sao họ lại làm như vậy, suy nghĩ như vậy → từ đó hiểu, thông cảm và xa hơn nữa là học hỏi được gì đó từ họ.
…
Trước đây có câu chuyện về anh chàng người Anh bị tử nạn
trên đỉnh Fansipan. Có một số người vô chửi bạn ngu, bạn thiếu kinh
nghiệm đi rừng, bạn liều lĩnh, rằng đi rừng đi núi thì phải thế này thế
kia, phải chuẩn bị đồ này đồ kia,…Đó là chúng ta đang áp đặt suy nghĩ của mình, hiểu biết của mình, cách làm của mình lên cho người khác.
—
Môn này gọi là Free Solo. Trong công ty mình ngồi gần một bạn Product
Owner, bạn cũng là một người chơi free solo. Qua những buổi nói chuyện
mình hiểu được ở góc nhìn của những người này, chỉ có free solo mới thỏa
mãn được đam mê leo núi của họ. Mọi động tác đều phải hoàn hảo, chỉ một
sơ sẩy nhỏ là sẽ trả giá bằng chính mạng sống của mình, và chỉ khi đẩy
mình tới tận cùng thử thách như vậy họ mới thấy thỏa mãn. Môn chơi đó
đòi hỏi người chơi phải có nhiều kinh nghiệm, hành trang phải gọn nhẹ
(gần như không có gì ngoài túi bột). Lên nhanh và xuống nhanh.
…
Ở góc nhìn của chúng ta thì làm như vậy dại dột, nhiều khi mạng sống
của người leo núi chỉ hoàn toàn dựa vào vài đầu ngón tay bám ở một mỏm
đá chơi vơi hàng trăm mét trên không. Nhưng đó là lăng kính của chúng
ta.
Ở lăng kính của Aiden thì biết đâu đó là một bức tranh khác. Họ đam
mê với điều họ làm, họ đã sống được hết mình với đam mê của mình, họ
biết rủi ro của đam mê, cái giá phải trả và họ chấp nhận điều đó. Chúng
ta không hiểu được họ thì cũng không nên chửi họ làm gì. Cái nào khen
được thì chúng ta khen, cái nào không mở lòng ra khen được thì thôi, kệ
người ta.
Comments
Post a Comment