![]() |
Trời mưa. Ngồi trong quán nhìn ra ngoài qua những khung cửa kính,
nhạc nhẹ nhàng, một bản cover lại When you say nothing at all. Rồi mấy
bài gì đó nữa của thập niên 90. Nghe thật là hoài niệm nhẹ cbn nhàng.
Tự nhiên suy nghĩ, những ngày như thế này, mươi mười năm trước.
Hồi đó chắc chưa có hai thứ smartphone và internet. Hoặc chưa có
"ai cũng biết, ai cũng có" như giờ. Internet được giới thiệu vào Việt
Nam vào khoảng năm 1991 qua một dự án tài trợ của Úc. Năm 1997, Việt
Nam chính thức có ISP (các nhà cung cấp dịch vụ internet) đầu tiên là
VNPT, Netnam,... Từ cuối những năm 90s và đầu 2000s, internet phát
triển rộng rãi Việt Nam và bắt đầu đến với người dùng nhiều hơn.
Năm 2003, số người dùng internet tại Việt Nam là hơn 800 ngàn người.
Tháng 3/2012 con số này là hơn 32 triệu, chiếm hơn 30% dân số Việt
Nam.
Năm 1992 Thinkpad cho ra đời khái niệm máy tính xách tay (laptop).
Năm 1997, Steve Jobs về Apple và iMac ra đời năm 1998, sau đó là iBook.
Cuối những năm 90, ở Việt Nam chỉ là những cái máy tính bự tổ mẹ,
chạy window 97. Học sinh hồi đó học phổ cập tin học, học nghề còn phải
ngồi học hệ điều hành MS-DOS, gõ lệnh Dir để search dữ liệu,...
Còn điện thoại thì khỏi nói luôn. Cuối 90s, đầu 2000, chẳng mấy
người có điện thoại di động. Khoảng 2003, 2004 người ta mới bắt đầu
dùng nhiều, chủ yếu là Nokia và rồi sau đó là Samsung, Sony Ericson.
Năm 2002, trên thế giới mới có những chiếc điện thoại thông minh (smart
phone) đầu tiên như BlackBerry 5810, và sau đó là 6210... Năm 2007,
iPhone ra đời, đánh dấu cho một thời đại mới. Năm năm sau đó, tức là
2012 bây giờ, đi đâu cũng đụng smartphone, smartbook với đủ thứ hãng,
đủ thứ nhãn, đủ thứ dòng. Mọi thứ phát triển chóng mặt, suốt ngày "trên
tay" với lại "đập hộp".
Đọc lại số liệu để thấy trong mười mấy năm, internet phát triển nhanh thế nào, công nghệ phát triển nhanh thế nào.
Rồi thì suy nghĩ tiếp.
Ở Việt Nam mình, cái gì cũng nhanh cũng nhạy. Internet phát triển,
hàng loạt hàng quán, cửa hàng cung cấp dịch vụ internet công cộng xuất
hiện. Có những con đường cả mấy cây số, các cửa tiệm internet mọc san
sát nhau, thật là tiện lợi cho bà con. Điện thoại cũng vậy, cửa hàng
mới mọc lên chi chít. Nói chung, dân mình rất nhạy dí mấy thứ làm ra
tiền. Dù là tức thời. Mở nhanh, dẹp nhanh, rồi mở tiếp.
Rồi thì online, thứ gì cũng có. Thứ có nhiều nhất là thông tin. Đa
dạng thông tin, đa dạng môi trường truyền thông tin, đa dạng đối tượng
truyền thông tin.
Năm năm, bảy năm, mười năm.
Người Việt mình nhanh và nhạy, nhất là những thứ kiếm được tiền, dù là
manh múng, dù là tức thời. Đau khổ nhất là những thứ nhất thời là
những thứ có hậu quả dài lâu.
Bây giờ mở mắt ra là bơi trong một mớ thông tin hỗn độn. Thông tin
thì nhiều, ngày càng nhiều. Lòng tin thì hao hụt, ngày càng hao hụt.
Thật sự cuộc sống bây giờ ra sao?
Cách đây mấy ngày, anh Tienclassa viết "Ai lên mạng cũng kêu than xã
hội loạn. Chỉ loạn với những người đọc báo điện tử thôi. Xã hội vẫn
thế và đang tốt lên từng ngày. Thử tắt máy ra ngoài mà xem."
Ừ, thử tắt máy ra ngoài mà xem!
Có nhiều hôm cũng thứ tắt máy ra ngoài. Như một hôm buồn quá, buổi
chiều đâu đó 6h mấy, chạy xe lên tượng đàu Lí Thái Tổ gửi xe
chui vào đó chơi. Thấy mọi người rất đông, rất vui. Người người đi bộ
quanh công viên, nhóm nhóm tụ tập chỗ này chỗ kia, không dưỡng sinh thì
cũng nhảy đầm, không nhảy đầm thì cũng hiphop break dance hay patin,
ván trượt. Nói chung là tưng bừng vui vẻ. Những công viên khác cũng
vậy. Đứng đó xem một nhóm bạn trẻ nhảy break dance thấy vui quá chừng.
Cạnh đó là mấy anh trị cô trú nhảy nhót tưng bừng. Mấy đứa nhóc thì cứ
đẩy ván trượt lướt qua vèo vèo.
Như một hôm tham gia vào các buổi của các bạn tình nguyện LIN. Rồi
thấy rằng sao họ làm được nhiều thứ quá. Quá nhiều tổ chức, quá nhiều
con người, mười mấy rồi năm mấy Làm mình cũng tự dưng trẻ lại thêm mươi
tuổi, dù mình vốn cũng không già mấy, chỉ có sự nhiệt tình là cụt lủn
thôi.
Như một hôm quăng máy tính ở nhà, chui ra cà phê ngồi đọc sách. Rồi
cùng bạn đi ăn. Rồi rủ nhau đi xem sách, lựa cuốn này cuốn kia cho bạn
bè. Viết vào sách đôi ba dòng ký tặng, thấy cũng vui.
Như một hôm gọi cho bạn rủ cà phê, ăn tối, đã lâu mình gặp nhau,
nhận được trả lời là cười hì hì của bạn nói đuma đume tụi mình bận quá,
làm suốt ta ơi. Buồn buồn nhưng cũng chẳng sao vì thấy tụi mình còn
nhiều thứ để làm, để bay nhảy, ước mơ và hy vọng.
Như một hôm, như một hôm và như một hôm.
Thấy hình như cuộc sống nó vẫn vậy. Có nhiều thứ khó khăn, nhưng
cũng có nhiều thứ đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Nhìn lại mà xem, bây giờ và
mười năm trước. 2013 và 2003.
Nhưng, những thứ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn dường như không tồn tại trên internet, hay tồn tại rất ít trên internet.
Tại sao lại như vậy?
Anh cũng không biết nữa.
Buổi trưa ngồi đọc báo, thấy tin Doanh nhân Nhật nhặt rác Hồ Gươm, tự nhiên thấy vui.
Nhớ hôm rồi đi trên đường, dừng xe đèn đỏ, thấy một anh
lấy bao thuốc ra hút, xong quăng luôn cái bao giữa đường. Muốn chạy lên
lụm lên, nhưng rồi lý do chủ quan khách quan này nọ mà rồi chạy luôn.
Thấy day dứt một tẹo. Thi thoảng sự dè dặt, ngại ngùng này nọ làm mình
không đủ dũng cảm làm đúng theo điều mình. Lần sau sẽ dũng cảm hơn.
Cuộc sống thì luôn nhiều khó khăn, mọi thứ chung quanh thì thay đổi
vèo vèo đến chóng mặt nhưng rõ ràng chính những gì chúng ta đang làm sẽ
tác động đến cuộc sống này, đến mọi thứ, mọi người. Tác động thế nào
thì tùy mình chọn lựa. Nhận thức được những thứ xấu xí để dũng cảm thay
đổi chứ không phải chết chìm trong nó.
Anh chẳng mong mình cải tạo thế giới, anh chỉ mong mình sống vui và thay đổi được gì đó từ chính bản thân mình.
Trong một xã hội kết nối với quá nhiều thông tin, thông tin tràn
ngập và phục vụ cho lợi ích tức thời của "một số" nhóm người, nếu như
không đủ tỉnh táo để chọn lọc và nhận xét khách quan, đôi khi cách đơn
giản nhất là tắt máy tính, ngắt kết nối để nhận ra quanh mình cuộc sống
thật sự thế nào.
Giờ thì anh tắt máy đây, kẻo các bạn lại trêu nói mà không làm. Tắt thì tắt, online điện thoại mấy hồi.
Smartphone đã có mặt tại Việt Nam từ giữa những năm 2000 rồi nhé.
Comments
Post a Comment